Xe ô tô của bạn có những hệ thống an toàn này không?

Khi thắt đúng quy cách, các dây này có công dụng giữ cho hành khách không bị văng khỏi ghế, lao về phía trước khi xe dừng đột ngột.
Có rất nhiều được trang bị trên ô tô, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về các hệ thống này.

Hệ thống an toàn trên ô tô được chia thành 2 loại: Chủ động và thụ động. Hệ thống an toàn chủ động gồm những tính năng được trang bị trên xe nhằm giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn, chẳng hạn như ABS, phân EBD hay cân bằng điện tử ESC. Trong khi đó, túi khí và dây đai an toàn thuộc về hệ thống an toàn thụ động, chỉ được kích hoạt khi tai nạn xảy ra để bảo vệ lái xe và hành khách tránh khỏi chấn thương.

Các tính năng an toàn chủ động

Hệ thống chiếu sáng là hệ thống đèn sử dụng trên xe nhằm mục đích chiếu sáng, tín hiệu và thông báo.

Đèn pha (far) – cốt (cos): Đèn được đặt ở đầu xe, làm nhiệm vụ chiếu sáng đường đi phía trước trong điều kiện trời tối, giúp người lái quan sát tình trạng giao thông và chướng ngại vật để xử lý. Đèn pha có chức năng chiếu sáng ở khoảng cách xa, đèn cốt chiếu sáng ở khoảng cách gần trước đầu xe.

Đèn xi-nhan: Giúp người lái báo hiệu hướng di chuyển tiếp theo của chiếc xe cho các phương tiện và người tham gia giao thông khác qua việc bật/tắt đèn theo hướng muốn đi. Ngoài ra, loại đèn này còn có nhiệm vụ cảnh báo nguy hiểm khi đồng thời cùng bật/tắt liên tục thông quan nút bấm hình tam giác trên bảng điều khiển.


Hệ thống đèn chiếu sáng cơ bản trên ô tô
Đèn sương mù: Giúp tăng khả năng nhận biết các phương tiện phía trước và sau trong điều kiện thời tiết nhiều sương hoặc đường xá nhiều bụi làm giảm khả năng quan sát của người lái. Vị trí đèn sương mù thường đặt thấp ở phần đầu xe.

Đèn hậu: Đặt ở đuôi xe, được quy định sử dụng màu đỏ, làm nhiệm vụ tăng khả năng nhận biết cho các phương tiện đi phía sau và cảnh báo mỗi khi người lái đạp phanh, giúp giảm thiểu va chạm từ phía sau.

Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock Braking System)

Là một tính năng an toàn quan trọng được trang bị khá phổ biến trên các mẫu xe hiện nay. Hệ thống này sẽ hỗ trợ quá trình phanh xe được an toàn và chính xác hơn, đặc biệt trong trường hợp phanh gấp. Lý giải một cách đơn giản, đây là hệ thống bóp nhả phanh liên tục khi người lái đạp phanh gấp, giúp bánh xe không bị bó cứng mà vẫn đảm bảo độ bám đường, ngăn ngừa tình trạng bánh dẫn hướng bị cứng gây mất lái. ABS chỉ kích hoạt trong những tình huống phanh khẩn cấp và chân phanh sẽ rung giật để báo cho tài xế biết. Ngày nay, hệ thống này đã trở thành tính năng tiêu chuẩn trên cả xe trang bị phanh tang trống lẫn phanh đĩa.


Mô phỏng tình huống tránh chướng ngại vật khi có và không có ABS
Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD (Electronic Brakeforce Distribution)

Phần lớn ô tô sử dụng cho mục đích đi lại thông thường có động cơ đặt phía trước nên tải trọng tác dụng lên bánh trước lớn hơn bánh sau. Đồng thời, trong quá trình phanh, do lực quán tính nên tải trọng càng tăng lên bánh trước và giảm đi ở bánh sau. Ngoài ra, khi xe vào cua, tải trọng sẽ tăng ở hai bánh phía ngoài, còn giảm ở phía trọng. Tất cả các trường hợp này đều cần phân phối lại lực phanh một cách hợp lý để đảm bảo hiệu quả phanh. Bằng cách tính toán tốc độ, tải trọng cũng như độ bám đường của các bánh, hệ thống EBD sẽ điều chỉnh và cân bằng lực phanh giúp quá trình phanh trở nên tối ưu hơn.


Lực phanh khi có và không có EBD
Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA (Brake Assist)

Khi phát hiện ra tài xế có hành động phanh gấp, hệ thống BA sẽ tự động trợ giúp để quá trình diễn ra nhanh hơn. Chẳng hạn như trường hợp xe đang lưu thông trên đường bỗng nhiên gặp chướng ngại vật, người lái sẽ đạp phanh theo phản xạ, nhưng do bất ngờ nên lực đạp phanh không đủ mạnh để chiếc xe dừng lại, khi đó hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA sẽ tự động bù thêm lực phanh đủ mạnh và kịp thời giúp xe dừng lại, tránh xảy ra va chạm. Hệ thống này thường đi cùng với hệ thống ABS và EBD, hỗ trợ cho nhau đảm bảo hiệu quả phanh gấp tối ưu ngay cả trên những bề mặt trơn trượt.

Hệ thống cân bằng điện tử ESC (ESP, VSC, VSA…)

Trong trường hợp ngưới lái đánh lái quá nhanh để tránh chướng ngại vật hoặc vào cua ở tốc độ cao trên đường trơn trợt dẫn đến tình trạng xe bị mất điều khiển và trượt sang hai bên, ESC sẽ tác động lên hệ thống phanh giúp điều chỉnh lại hướng lái, đồng thời tự động giảm công suất động cơ giúp người lái có thời gian giành lại quyền kiểm soát xe. ESC không chỉ làm việc khi xe vận hành trên đường ẩm ướt hay băng giá mà còn hoạt động tốt khi xe tăng tốc hay vào cua. Yếu tố cốt lõi là ESC giúp phát hiện nguy cơ trượt bánh xe trước khi điều này trở thành mối de dọa thực sự.


Mô phỏng tình huống vào cua khi có và không có ESC
Trang bị an toàn thụ động

Túi khí: Là hệ thống túi tự động bơm đầy khí và bung ra trong khoảng thời gian rất nhỏ khi có va chạm/tai nạn xảy ra nhằm giảm thiểu mức độ chấn thương của người ngồi trong xe do va đập với các chi tiết nội thất. Túi khí trước có tác dụng giảm chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách ngồi kế bên khi xe bị va chạm từ phía trước. Túi khí gắn bên sườn xe chỉ hoạt động khi có va chạm bên sườn thân xe, làm nhiệm vụ bảo vệ đầu và vai tránh bị tổn thương. Tuy nhiên, không phải chỉ cần trang bị túi khí là người ngồi bên trong xe có thể tránh được thương vong trong bất cứ trường hợp tai nạn nào.


Hệ thống túi khí và dây đai an toàn giúp giảm thiểu chấn thương khi tai nạn xảy ra
Dây đai an toàn: Đây chỉ là một trang bị cơ bản so với hàng loạt công nghệ trên ô tô hiện nay, nhưng tầm quan trọng đối với tính mạng người ngồi trong xe lại được đặt lên hàng đầu. Khi xe phanh gấp, người ngồi trong xe sẽ bị nhào về phía trước do lực quán tính, xe chạy với vận tốc càng lớn thì lực càng được nhân lên nhiều lần, dẫn đến va chạm và chấn thương. Một dây đai an toàn đạt tiêu chuẩn gồm một dây vòng ngang hông và dây vắt chéo qua vai, các đầu dây được gắn chặt vào khung xe, có khóa nối giúp cài dây. Khi thắt đúng quy cách, các dây này có công dụng giữ cho hành khách không bị văng khỏi ghế, lao về phía trước khi xe dừng đột ngột.

Bên cạnh hệ thống an toàn cơ bản như trên, hiện nay các hãng xe đã bổ sung thêm khá nhiều tính năng an toàn tiên tiến như cảnh báo điểm mù, cảnh báo va chạm trước, cảnh báo chệch làn đường, phát hiện người đi bộ… giúp giảm thiểu tối đa rủi ro khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, những tính năng này chỉ xuất hiện trên một số mẫu xe cao cấp hoặc theo dạng tùy chọn, chưa phổ biến trên các mẫu xe phổ thông trong nước và cũng khó phát huy hết tác dụng trên điều kiện đường xá đặc thù của Việt Nam.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *